F-Mobile: Điện thoại giá rẻ tích hợp nhiều dịch vụ gia tăng

Điện thoại di động giá rẻ đang được tiêu thụ mạnh tại thị trường Việt Nam. Công ty Công nghệ Di động FPT (FPT Mobile) cũng chuẩn bị giới thiệu một sản phẩm giá rẻ mang thương hiệu F-Mobile.

27/05/2009



FPT Mobile - nhà phân phối điện thoại di động Samsung có thị phần lớn nhất tại Việt Nam với quy mô hơn 500 đại lý phân phối trên toàn quốc - đánh giá khá cao hướng kinh doanh mới này.

FPT Mobile sẽ chính thức ra mắt thị trường 03 sản phẩm B230, B660, B890 vào tuần đầu tiên của tháng Sáu tới. Các sản phẩm này đều có chung thương hiệu F-Mobile, với mức giá dưới 2 triệu VND. Cụ thể, dòng sản phẩm B230 có giá bán lẻ dự kiến là 890.000 VND, B660 – 1.290.000 VND và B890 – 1.890.000 VND.

B660

B890
B890


Theo kế hoạch, trong các tháng tiếp theo, FPT Mobile sẽ tiếp tục ra mắt nhiều dòng sản phẩm khác với việc mở rộng hợp tác với các nhà sản xuất. Anh Lê Hoàng Hải, Phó Tổng Giám đốc FPT Mobile cho biết: “Dự kiến, từ tháng 08/2009, thương hiệu F-Mobile sẽ ra mắt từ 20 đến 30 sản phẩm cùng một thời điểm để người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn”.

Trên thực tế, thị trường điện thoại di động tại Việt Nam đang hướng mạnh vào phân khúc hàng cấp thấp (low-end). Theo các số liệu thống kê cho thấy, 70% điện thoại tại Việt Nam có giá bán dưới 100 USD, trung bình khoảng 80 USD/chiếc.

Cùng với các nhà sản xuất tên tuổi, hàng loạt các thương hiệu điện thoại di động ở phân khúc giá rẻ có nguồn gốc từ Trung Quốc cũng đã nhanh chân tràn ngập thị trường Việt Nam trong suốt một năm qua. Đánh giá của giới chuyên môn cho thấy, thị phần của các nhà sản xuất điện thoại giá rẻ đang tăng cao, ngày càng thu hẹp khoảng cách và tịnh tiến gần thị phần của các nhà sản xuất lâu đời.

Vừa phân phối vừa bảo hành điện thoại trong nhóm hàng giá rẻ này hiện có thể kể đến các nhà phân phối như An Bình với sản phẩm Q-Mobile; GMS với thương hiệu Welcome; Hưng Lợi với sản phẩm Malata; hay Mobell, CayOn đang được phân phối bởi Công ty Vũ Hoàng Hải; Bavaben phân phối bởi Thành Công mobile,…

Theo con số thống kê mới nhất được nhiều nhà phân phối công bố trong tháng 04/2009, lượng máy tiêu thụ của các dòng sản phẩm trên đạt mức khá cao. Trong đó, Q – Mobile tiêu thụ khoảng 70.000 máy/tháng; Malata với khoảng 25.000 – 30.000 máy/tháng; Mobell từ 15.000- 25.000 máy/tháng; …

Kết quả thống kê Top 10 sản phẩm điện thoại di động bán chạy nhất năm 2008 của hệ thống siêu thị bán lẻ Thegioididong, đơn vị có thị phần hàng đầu trên thị trường điẹn thoại di động trong nước cũng cho thấy, cả 10 sản phẩm đều là những chiếc điện thoại có mức giá dưới 2 triệu VND.

Với khó khăn về kinh tế như hiện nay, thì việc tập trung vào các dòng điện thoại giá rẻ xem ra vẫn là phương án an toàn của cả các hãng sản xuất điện thoại và nhà phân phối tại thị trường nội địa, khi viễn cảnh hồi phục kinh tế trong năm 2009 hiện còn chưa rõ ràng.

Nhận định về hướng kinh doanh mới, anh Lê Hoàng Hải cho biết: “Luôn tìm kiếm các hướng kinh doanh mới để nâng cao doanh thu và lợi nhuận, FPT Mobile xác định đây là thời điểm thích hợp để phát triển hướng kinh doanh này khi các yếu tố thị trường đã đảm bảo”.

FPT Mobile vẫn chưa tiết lộ số lượng máy nhập hàng trong đợt này và doanh thu dự kiến trong năm nay. Tuy nhiên, theo kế hoạch, sản phẩm mang thương hiệu F-Mobile dự kiến chiếm khoảng 10% thị phần của thị trường điện thoại Việt Nam vào tháng 12/2009, với số lượng bán ra trong tháng Mười hai ước đạt hơn 150,000 máy.

“Nếu xét đơn thuần về mặt tính năng so với đa phần các sản phẩm low-end trên thị trường thì sản phẩm F-Mobile khó có thể đưa ra nét đặc trưng. Tuy nhiên, F-Mobile sẽ tận dụng các ưu điểm hiện tại để tạo nên sự khác biệt cho mình”, anh Lê Hoàng Hải chia sẻ.

Cụ thể, FPT Mobile sẽ kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, sản phẩm được  bảo hành trong vòng 13 tháng (thay vì tối đa 12 tháng như các hãng khác), cam kết sửa máy trong vòng 3 ngày làm việc, đổi máy mới hoặc máy có giá trị tương đương nếu máy bị hỏng 3 lần liên tiếp cùng một lỗi.

FPT Mobile cũng thể hiện mong muốn đưa thêm nhiều giá trị gia tăng vào điện thoại, tận dụng triệt để các thế mạnh của các đơn vị khác trong FPT. Trước mắt, các sản phẩm F-Mobile sẽ tích hợp và cung cấp miễn phí cho người tiêu dùng các ứng dụng trên điện thoại di động như ViTalk, Vimap, Vihuni, Từ điển Anh-Việt…

Về lâu dài, các hướng hợp tác với Công ty Phần mềm FPT ( FPT Software) trong việc phát triển dịch vụ nền tảng, như đưa mobile banking của Ngân hàng Tiên Phong (TienPhongBank), mobile security của Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT (FPT Securities)... vào điện thoại F-Mobile cũng đang được FPT Mobile thương lượng với các đơn vị khác trong Tập đoàn FPT. Dự kiến, các mối quan hệ hợp tác này sẽ triển khai sớm trong thời gian tới.

Phân khúc sản phẩm low-end sẽ là phân khúc được FPT Mobile nhắm tới trong bước chân đầu tiên xây dựng thương hiệu cho điện thoại F-Mobile tại thị trường Việt Nam. Dự kiến, đầu năm 2010, sau khi tạo dựng được hình ảnh thương hiệu F-Mobile ra thị trường thì FPT Mobile sẽ dần hướng tới các sản phẩm trung và cao cấp (mid-end và high-end).